Tháng 7 02, 2015 Không cụ thể Comments Off
Gần đây nhất là chuyện bé gái 4 tuổi ở Ba Vì, Hà Nội uống nhầm dầu máy. Sau gần 20 ngày điều trị, tình trạng viêm phổi của bé mới dần ổn định, hết sốt nhưng vẫn còn ho. Vụ việc đau lòng này một lần nữa là tiếng chuông báo động về mức độ nguy hiểm với tính mạng của trẻ do sự bất cẩn của người lớn…
Từ trước tới nay đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm như vậy xảy ra:
-Tháng 12/2009, do gia đình không để mắt tới trẻ nên bé Trần Viết T. (22 tháng tuổi, ở Hải Dương) đã uống nhầm dầu hôi. Thay vì đưa cháu đến ngay bệnh viện, người nhà T đã móc họng để cháu nôn ra trước khi đưa đến viện cấp cứu nhưng khi đến BV thì T. đã ngưng thở. Các bác sĩ đã đặt nội khí quản và chuyển lên bệnh viện tuyến trên nhưng cháu đã tử vong 1 ngày sau đó.
-Sáng 23/7-/2010, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã cứu sống một bé trai trai tên Đ.H.H (3 tuổi), ngụ ở Bình Dương uống nhầm chai axit sulfuric. Tiến hành chụp ngay Xquang phổi cho thấy, bé H bị viêm phổi hít. Ngay lập tức bé được đặt thở oxy, đặt ống thông dạ dày dẫn, lưu chất độc hại còn sót lại trong dạ dày, truyền dịch, uống kháng sinh để điều trị viêm phổi hít.
-Ngày 19/7/2011, BV Nhi đồng I tiếp nhận cháu Tr. H. G. Ph. 14 tháng tuổi, sống ở Quận 3 TP.HCM trong tình trạng khó thở, tím tái, do uống nhầm nước thuốc rửa vàng. Gia đình bệnh nhân cho biết, cháu Ph.được ba mẹ đưa lên nhà bà ngoại ở Củ Chi chơi. Trong lúc mọi người đang ngồi nói chuyện phía trước nhà, Ph “lẻn” bò vào dưới quầy bán vàng bạc chơi mà người nhà không hay. Một lúc sau, không thấy Ph đâu, mọi người chạy vào trong nhà đi tìm, phát hiện em nằm dãy dụa ho sặc sụa, tím tái, xung quanh có nhiều hột nhãn, giấy vụn,… và một ly nước thuốc rửa vàng bị đổ.
-Cũng trong năm 2011, 2 bệnh nhi Đàm Thị Kim N (3 tuổi) và Đàm Thị Hồng H (4 tuổi) cùng trú ở Bắc Kạn đã nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp nặng, co giật, do uống nhầm thuốc trừ sâu. Mặc dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng do uống quá nhiều thuốc trừ sâu nên sau một giờ đồng hồ N đã tử vong, còn H may mắn được cứu sống. Theo tìm hiểu của các bác sĩ, mẹ của 2 bé là chị Nông Thị H sau khi đi phun thuốc ngoài đồng về đã để chai thuốc trừ sâu dưới gầm sàn gần chỗ N và H đang chơi. Vì không biết nên hai cháu đã mang ra để uống.
- 10-10-2013, bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng khoa Nhi – BV Bạch Mai cho biết, khoa tiếp nhận bé P.P.T (3 tuổi, ở Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào cấp cứu trong tình trạng nôn, ho liên tục. Bé được bác sĩ chẩn đoán bị ngộ độc vì uống nhầm dầu hỏa do bố mẹ đựng trong vỏ chai nước khoáng để thắp đèn dầu bàn thờ.
-Vào năm 2014, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, khoa tiếp nhận nhiều trường hợp viêm phổi do uống nhầm hóa chất ví dụ như trường hợp bệnh nhi bị viêm phổi nặng do uống dầu máy khâu. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, mẹ bé làm thợ may. Hàng ngày, ống dầu máy khâu vẫn được để ngay trên bàn để thỉnh thoảng chị tra dầu vào máy. Hôm đó, bé cầm ống dầu chơi, cho vào miệng nhưng cũng chẳng ho hắng gì. Gia đình cũng không hay biết con ngậm, nuốt phải dầu máy khâu. Đến khi thấy con sốt, ho ngày càng nhiều, đưa vào viện trong tình trạng viêm phổi rất nặng, điều trị tại bệnh viện địa phương mấy ngày không đỡ được chuyển lên khoa Nhi BV Bạch Mai. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân viêm phổi rất nặng, co rút lồng ngực và phải trải qua 2 tuần điều trị, tình trạng mới ổn định.
Có thể thầy nguyên nhân chủ yếu gây nên những tai nạn thương tâm trên đều là do sự bất cẩn của gia đình. Trẻ dưới 3 tuổi rất hiếu động và luôn muốn tìm hiểu về thế giới xung quanh. Chính vì vậy, bất cứ thứ gì trẻ cũng đều muốn cầm và cho lên mồm, điều này vô cùng nguy hiểm vì chỉ cần một phút lơ là, thiếu chú ý của các bậc phụ huynh cũng có thể làm trẻ gặp nạn. Vì vậy, việc trang bị những kiến thức phòng, chữa khi trẻ ngộ độc là vô cùng quan trọng.
Hàng loạt ca uống nhầm chất độc như thủy ngân, thuốc diệt cỏ gây ra cái chết nhưng nếu biết xử lý, người bệnh có thể được cứu sống.
Cách sơ cứu khi trẻ uống nhầm thuốc hay hóa chất
Việc đầu tiên khi bắt gặp trẻ uống nhầm thuốc là cần phải bình tĩnh, tránh hoảng loạn để xử lý được chính xác. Bởi vì khi gặp trường hợp trên mà sơ cứu không tốt sẽ khiến người bệnh càng đau đớn hơn, để lại di chứng hoặc nguy hiểm đến tính mạng
Cần tìm hiểu xem người bệnh đã uống nhầm loại gì, với lượng bao nhiêu. Bởi từng loại thuốc, hóa chất sẽ gây nên biểu hiện lâm sàng và cách xử trí khác nhau:
Khi trẻ uống nhầm axít, xăng dầu, chất tẩy rửa:
Với các hóa chất bay hơi, dung dịch tẩy rửa gây ăn mòn mạnh như: Axit, bazơ hoặc xăng dầu… người lớn không được gây nôn cho trẻ. Cha mẹ thường nghĩ rằng, cần phải cho trẻ nôn ra hết sẽ hết độc nhưng đây là quan niệm sai lầm. Nếu gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa, làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Trẻ dễ bị viêm phổi là do hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp.
Trước khi tới viện, có thể cho trẻ uống vài ngụm nước lọc, nếu hóa chất gây bỏng rát trong cổ họng. Cho trẻ uống từ từ nhằm tránh sặc nước khiến tình hình nghiêm trọng hơn.
Khi uống nhầm thuốc diệt cỏ:
Cần nhanh chóng gây nôn cho trẻ càng sớm càng tốt. Trong vòng 1 giờ đầu uống nước và gây nôn bằng cách móc họng cho bệnh nhân. Nếu có thể, nên cho uống siro ipeca 10-15ml ở trẻ em, 30ml ở người lớn để gây nôn. Khi nôn, để bệnh nhân đầu thấp, tránh sặc vào phổi. Hoặc đặt người bệnh nằm nghiêng tránh chất nôn, dịch tiết hay nước chảy vào khí quản gây tắc thở.
Sau khi bệnh nhân nôn, có thể cho bệnh nhân uống một trong các thuốc sau làm giảm hấp phụ chất độc vào cơ thể: Than hoạt tính 1g/kg/lần pha nước cho bệnh nhân uống; hoặc uống đất sét hấp phụ rất tốt paraquat. Sau đó khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Nếu ngộ độc do uống nhầm thuốc:
Khi biết con bị ngộ độc thuốc, cần giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng để các chất trong dạ dày không trào lên thực quản. Không đặt trẻ ở tư thế nằm.
Nếu đang còn tỉnh, bất kể là đã uống nhầm loại gì cũng cần nhanh chóng gây nôn bằng cách móc họng. Đồng thời, cho trẻ uống nhiều nước ấm rồi lại tiếp tục móc họng gây nôn, nhằm rửa sạch dạ dày, giải độc ra khỏi cơ thể, giảm bớt tác hại của thuốc hay hóa chất. Trong trường hợp bé hôn mê, co giật thì không nên gây nôn.
Sau sơ cứu ban đầu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện ngay để được các bác sĩ tiếp tục cấp cứu, giải độc. Mang theo vỏ loại thuốc hoặc chai hóa chất mà người bệnh đã uống nhầm để các bác sĩ có hướng xử lý kịp thời và chính xác.
Để phòng tránh hậu quả của việc uống nhầm hóa chất cần:
- Để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ. Tốt nhất là để ở những hộp riêng, có khóa, không để trẻ em lấy được.
- Không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống… nhằm tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra. Các chai, lọ đựng hóa chất nên dán chú thích rõ ràng, đặt xa tầm tay trẻ em.
- Nên tránh tái sử dụng những chai nhựa màu, vỏ đục, khó quan sát màu sắc của chất bên trong để đựng hóa chất.
- Không đựng các đồ uống vào các chai lọ vốn là bao bì đựng hóa chất.
- Không để chung thuốc uống với những thuốc khử khuẩn, dùng ngoài.
Hoàng Linh (Tổng hợp)
Tháng 2 26, 2016 Comments Off
Tháng 2 26, 2016 Comments Off
Tháng 1 19, 2016 Comments Off
Tháng 1 19, 2016 Comments Off
Tháng 11 09, 2018 Comments Off
Tháng 12 05, 2019 0
Tháng 12 05, 2019 0
Tháng 12 05, 2019 0
Tháng 12 05, 2019 0
Tháng 8 23, 2017 Comments Off
Làm sao để tách lòng đỏ ra khỏi lòng trắng trứng gà mà không làm vỡ lòng đỏ trứng gà? Nhiệm vụ “bất khả thi” này có làm khó 2 bạn nhỏ của...